Thai nhi 24 tuần phát triển như thế nào? Giải đáp những câu hỏi thường gặp về mang thai tuần 24

Thai nhi 24 tuần là lúc mẹ bầu đang ở giai đoạn cuối của tam cá nguyệt thứ hai. Cùng tìm hiểu sự phát triển của thai nhi và những câu hỏi thường gặp khi mang thai tuần 24 nhé!

1. Sự phát triển của thai nhi 24 tuần

Thai nhi ở giai đoạn này phát triển nhanh và tiếp tục có những thay đổi:

  • Thai nhi 24 tuần đã có thể nhận biết được giọng nói của mẹ và phản ứng với những âm thanh xung quanh.

  • Xuất hiện móng tay, móng chân, bắt đầu hé nửa mí mắt và thường xuyên há miệng nuốt nước ối. Khi nuốt nước ối quá nhiều, thai nhi nấc cụt tạo ra những rung lắc nhỏ giúp mẹ nhận biết.

  • Bé chuyển động nhiều hơn ở tuần 24 nhờ đó giúp bé rèn luyện xúc giác, phát triển và tăng cường sức mạnh cơ bắp, xương khớp.

  • Phổi của thai nhi tiếp tục phát triển trong tuần này, các phế nang được hình thành và các ống hô hấp tiếp tục phân chia. Các cử động giả hô hấp diễn ra thường xuyên hơn, nhanh hoặc sâu hơn.

  • Não bộ của bé phát triển nhanh: Mỗi tế bào thần kinh sẽ tiếp tục phân nhánh và liên kết với các tế bào khác tạo thành khớp thần kinh tại các điểm tiếp xúc. Quá trình này sẽ kéo dài đến vài năm sau khi sinh.

2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 24?

Khi đến tuần thứ 24, cơ thể mẹ cũng có những thay đổi theo sự phát triển của thai nhi, cụ thể:

  • Trào ngược dạ dày khi mang thai và táo bón: Ở thời điểm này, tử cung bắt đầu chèn ép lên các cơ quan khác trong bụng mẹ bầu, các hormone thai kỳ đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn, làm rỗng dạ dày và giảm tốc độ vận chuyển của ruột, gây ra tình trạng trào ngược axit và táo bón khi mang thai.

  • Bị bệnh trĩ: Thể tích máu và nồng độ hormone progesterone trong cơ thể tăng lên làm giãn nở và sưng phù các thành mạch, khiến mẹ bầu có khả năng bị trĩ khi mang thai.

  • Tiểu đường thai kỳ: Khoảng 2% – 5% mẹ bầu có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ vào khoảng từ tuần thứ 24 đến 28. Nguyên nhân là do nhau thai đang sản xuất một lượng lớn hormone có thể gây kháng insulin.

  • Suy yếu nướu răng: Bà bầu bị chảy máu chân răng là tình trạng khá phổ biến. Bởi các hormone progesterone và estrogen do nhau thai sản xuất ra làm tăng tuần hoàn máu, gây phù nề và xung huyết các mô nâng đỡ răng. Progesterone còn gây ức chế miễn dịch trên các mô miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Quá trình axit hóa nước bọt cũng làm các mô nha chu dần suy yếu.

  • Co thắt Braxton Hicks: khi thai nhi 24 tuần, mẹ bầu sẽ bị chứng co thắt Braxton Hicks (hay còn gọi là cơn gò chuyển dạ giả) thường xuyên hơn. Tình trạng này thường xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ, tần suất không đều và không có tính chu kỳ. Những cơn gò này là bước đầu để tử cung của mẹ bầu rèn khả năng chịu đựng và luyện tập cho ngày sinh trong vài tháng tới.

3. Mẹ bầu nên làm gì khi mang thai tuần 24?

3.1. Lưu ý về vận động và dinh dưỡng

Cần duy trì chế độ vận động phù hợp như tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng hoặc mẹ bầu đi bơi cũng là cách giúp cơ thể khỏe khoắn, kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

Đồng thời, mẹ bầu cũng nên xây dựng và thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai và giúp bé phát triển khỏe mạnh:

  • Bổ sung những thực phẩm giàu sắt cho bà bầu như các loại rau xanh (bông cải xanh, rau chân vịt, cải bó xôi,…), các loại cá (cá mòi, cá hồi,…), thịt gia cầm và thịt đỏ.

  • Duy trì sử dụng các loại thực phẩm giàu axit folic cho bà bầu. Axit folic sẽ giúp mẹ hình thành các tế bào hồng cầu trong máu, giảm nguy cơ dị tật thai nhi.

  • Ăn những thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B, B12, canxi cho bà bầu.

3.2. Theo dõi và khám sức khỏe thai kỳ

3 tháng giữa thai kỳ là thời kỳ phát triển mạnh của thai nhi, vì vậy mẹ cần theo dõi và khám thai định kỳ để:

  • Tầm soát nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ em bằng kỹ thuật siêu âm 4D và siêu âm hình thái học.

  • Tầm soát tiểu đường thai kỳ để tránh gặp nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và bé.

  • Kiểm soát cân nặng mẹ bầu và đánh giá tình trạng sức khỏe so với sự phát triển của thai nhi.

  • Hiểu rõ các dấu hiệu dọa sinh sớm để can thiệp kịp thời, nhất là những người mang đa thai, có tiền sử sảy thai hoặc sinh non.

4. Những câu hỏi thường gặp

4.1. Trọng lượng của thai nhi 24 tuần là bao nhiêu ?

Theo bảng cân nặng thai nhi theo tuần, chiều dài từ đầu đến gót chân của thai nhi 24 tuần khoảng 30cm, trọng lượng khoảng 0,665kg.

Một vài chỉ số khác của thai 24 tuần:

  • Chu vi đầu (HC): 184 – 210mm, trung bình 224mm.

  • Chiều dài xương đùi (FL): 40 – 46mm, trung bình 42mm.

  • Chu vi bụng (AC): 171 – 231mm, trung bình 201mm.

  • Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): 53 – 65mm, trung bình 59mm.

4.2. Tư thế nằm của thai nhi 24 tuần tuổi như thế nào?

Thai nhi 24 tuần thường sẽ quay đầu xuống dưới, đầu ở vị trí bụng dưới hoặc dưới rốn của mẹ. Đồng thời, mẹ có thể cảm nhận được tư thế nằm của bé nếu thường xuyên chú ý đến vị trí đạp của con.

4.3. Chiều dài xương mũi của thai nhi 24 tuần bao nhiêu là chuẩn?

Theo Nghiên cứu của Trung tâm Medic Thành phố Hồ Chí Minh, chiều dài xương mũi của thai nhi 24 tuần sẽ nằm trong khoảng từ 5,93 – 7,57mm.

4.4. Quan hệ khi mang thai tuần 24 có an toàn không?

Theo các chuyên gia sức khỏe sinh sản, mẹ vẫn có thể duy trì chuyện chăn gối khi thai nhi 24 tuần. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho con, mẹ tuyệt đối không nên quan hệ khi có thai trong những trường hợp dưới đây:

  • Mẹ đang mang thai đôi hoặc trên 2 em bé.

  • Từng bị sảy thai hoặc bị dọa sảy thai, ra máu ở những tháng trước của thai kỳ.

  • Từng bị vỡ ối sớm hoặc có dấu hiệu sinh non ở lần mang thai trước đây.

  • Mẹ đã từng bị tiền sản giật.

  • Mẹ bị hở eo cổ tử cung.

  • Mẹ đang bị hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ bị nhau tiền đạo, rau bong non.

4.5. Thai nhi 24 tuần tuổi đạp nhiều có sao không?

Ở giai đoạn này, thai nhi đạp nhiều và lực đạp mạnh hơn các tuần trước đó. Nếu thai nhi khỏe mạnh, mẹ có thể cảm nhận được ít nhất 4 lần đạp trong mỗi giờ đồng hồ, đây là dấu hiệu cho thấy con đang phát triển một cách bình thường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *